Những thăng trầm trong phong thủy

Kể cả ở hai cảnh giới âm dương, bất cứ một sinh thể trong trắng lành mạnh nào muốn tồn tại bắt buộc phải thanh thoát tụ khí. Mà muốn đắc khí (có thể hiểu là Đạo) thì không gì bằng điều hòa cho được phong hoặc thủy. Con người ta sống bám nhờ tự nhiên, hoặc nương thế đất hoặc theo hình trời. Sâu xa, không phải là chuyện vớ vẩn huyền hoặc.

phong-thuy-2

Tất nhiên, ở những thời loạn lạc lung tung sinh tử, phong thủy cũng bi đát bế tắc lắm. Các “kham dư gia” (một cách gọi khác cho các học) lang thang nhớn nhác đi lại đầy đường, gần giống các nam nữ diễn viên đi dự liên hoan phim chưa được ban tổ chức kịp thời bố trí khách sạn. Ở vào cái thời mạt của bần hàn ấy, mạng người là nhất. Cơm chỉ mong đủ no, áo chỉ mong đủ mặc. Binh lửa thiêu đốt khắp nơi nhà cửa hoang tán phiêu dạt, dương trạch lồ lộ còn không người sở hữu nói gì đến âm phần ở sâu ba thước đất. Thế rồi hết động thì đến tĩnh, con người dịu dàng trở lại bình hòa an cư, mà an cư vững chắc nhất không gì bằng được một cái nhà. Gia đình bé thì căn phòng, công ty lớn thì trụ sở. Chung cư cao cấp mọc lên như nấm, vừa lừa vừa bán chưa kịp xây đã hết chỗ đặt mua. Giá đất mặt tiền đường Đồng Khởi một mét vọt lên xấp xỉ gần trăm triệu. Người sống đã mê man sướng rồi thì người chết hiển nhiên cũng phải khang trang. Dân tình nhiều vùng cằn cỗi bão lụt, vẫn hoành tráng xây cả thành phố nghĩa địa. Cũng trệt cũng lầu, cũng tả Thanh Long ốp đá xanh cũng hữu Bạch Hổ gắn cẩm thạch trắng. Trên cái nền rừng rực của danh vọng tiền tài ấy, đương nhiên phong thủy vùn vụt lên ngôi.

Thực ra công năng của phong thủy là khá rộng, tuy nó không đi dò tìm long mạch của tình yêu tình bạn, nhưng nó đâu chỉ bó hẹp trong danh lợi của dăm đạo lý. “Thuyết văn giải tự” nói “Kham là thiên đạo, Dư là địa đạo”. Thể của nó là khí. Dụng của nó là nước là gió. Kể cả ở hai cảnh giới âm dương, bất cứ một sinh thể trong trắng lành mạnh nào muốn tồn tại bắt buộc phải thanh thoát tụ khí. Mà muốn đắc khí (có thể hiểu là Đạo) thì không gì bằng điều hòa cho được phong hoặc thủy. Con người ta sống bám nhờ tự nhiên, hoặc nương thế đất hoặc theo hình trời. Sâu xa, phong thủy không phải là chuyện vớ vẩn huyền hoặc.
Phong thủy hoàn toàn không phải là đặc sản chuyên biệt của Tầu, Tây cũng có mà Ta cũng có. Kim tự tháp Ai Cập trục chính luôn chạy đúng theo hướng Nam Bắc. Các linh trụ trấn yểm Obelisk từ lâu đã xuất hiện trên vùng đất người Maya cổ đại. Trụ sở Bộ quốc phòng Mỹ, Lầu Năm Góc khét tiếng là đồ hình bát quái đổ lật ngửa. Tuy xuất xứ từ Hồng Kông nhưng phong thủy học vào ta đã được Việt hóa một cách thượng thặng tinh tế. Đời nhà Lê, ông Nguyễn Đức Huyên người làng Tả Ao huyện Nghi Xuân (Nghệ An) lừng danh là thầy địa lý cực giỏi. Chứng kiến ông chọn đất điểm huyệt, nhiều thầy Tầu lăn ra mà tâm phục khẩu phục. Tương truyền, sách ông Tả Ao viết hay không kém gì kinh “Thanh Nang” đời Tần, bộ “Bình xa ngọc xích” đời Hán, nó chỉ hơi thiếu uyên bác kỹ lặng nếu so với kiệt tác “Táng Kinh” của đại tông sư Quách Phác nhà Tấn mà thôi. Và cũng giống như đa phần các thiêng liêng kinh điển, sách của ông Tả Ao đã thất truyền. Là cát bụi lại trở về cát bụi. Ngày nay, đám lăng nhăng hậu sinh hành nghề địa lý, đi đến đâu kiếm ăn cũng lấp lửng khoe là trong tráp có dấu giếm sách này, cốt huyênh hoang dụ xôi dụ thịt. Ca dao Việt bật cười “Hòn đất mà biết nói năng. Thì thầy địa lý hàm răng không còn”.
Bây giờ thái bình thịnh trị, xã hội nhan nhản người tài, nhỡ có vào hiệu sách lớn nào là mênh mông thấy lòe loẹt sách phong thủy xanh đỏ. Chưa ra đến cửa, đã rầm rập gặp “phong thủy gia”, com lê com táo cao đạo, ca táp lích kích những là thướng Lỗ Ban rồi tróc long, rồi la bàn. Nhà chung cư xây đã có khuôn, ban công ngó thẳng vào ô văng hàng xóm cũng bầy đặt chuyện Minh Đường tụ thủy. Hỡi ơi, lăng Ly Sơn của Tần Thủy Hoàng quy mô to lớn phương vị tuyệt đúng. Tiền Chu Tước có dòng sông Vị cuồn cuộn chảy, hậu Huyền Vũ có núi xanh mướt nghìn trượng cao. Mỗi ngách mỗi cửa có bạt ngàn bùa chú trấn yểm. Thế nhưng nó được xây trên xương máu của bẩy mươi vạn dân công binh lính nên cái giấc mộng vạn thế đế vương chưa đầy hai đời đã tuyệt hậu.
Ông Trương Tử Phòng, ngoài chuyện là một chính trị gia lỗi lạc, còn là một nhà phong thủy cao tay ấn đã từng khuyên “Tiên tích đức, hậu tầm long” (Chứa đức trước đã rồi sau hãy tìm đất). Lời khuyên đơn giản này bị các doanh nhân đang trúng cổ phiếu lùng sục đi mua biệt thự hoặc các quan chức thăng tiến đang hồ hởi xây sửa lại mộ ông bà coi là lời vớ vẩn lạc hậu bàn lùi.

Cùng Danh Mục

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *